Dinh dưỡng tốt trong thai kỳ giúp người mẹ tăng cân phù hợp
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự thay đổi về khối lượng, cấu trúc cơ thể và thành phần của máu. Thông thường, trong một kỳ mang thai, bà mẹ tăng 10-12kg bao gồm bào thai, rau thai, nước ối, máu, dịch mô, tử cung, vú. Nếu bà mẹ tăng cân ít trong thai kỳ dễ có khả năng con sinh nhẹ cân, thiếu vi chất (như thiếu sắt, thiếu máu, canxi…). Ngược lại, nếu mẹ tăng quá nhiều cân trong thai kỳ sẽ sinh khó, nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ góp phần hạn chế tai biến sản khoa
Dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ mang thai giúp bà mẹ khỏe mạnh, thai phát triển tốt là một yếu tố quan trọng để bà mẹ vượt qua cuộc đẻ một cách thuận lợi.
Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý (quá thiếu hoặc quá thừa) ở mẹ trong giai đoạn mang thai không những gây hậu quả thiếu các chất dinh dưỡng cho mẹ và phát triển thai mà còn là điều kiện thuận lợi cho nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu, khó sinh, sinh non/ nhẹ cân và một số tai biến khác.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ góp phần hạn chế tai biến sản khoa.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ tăng khả năng tạo sữa sau khi sinh
Một chế độ ăn đa dạng, cân đối sẽ giúp người phụ nữ mang thai tăng cân đủ (10-12kg) và dự trữ chất dinh dưỡng tạo sữa sau sinh. Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ, mẹ sẽ có khả năng ít sữa, không đáp ứng đủ nhu cầu sữa của bé cũng như không đảm bảo chất lượng sữa cho sự phát triển toàn diện của bé.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giảm nguy cơ mắc một số bệnh cho mẹ
Dinh dưỡng đủ sẽ giảm nguy cơ thiếu folate (vitamin B9), một thành phần tham gia vào quá trình tạo máu. Thiếu folate thường gây bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ, tạo nguy cơ sẩy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân.
Dinh dưỡng không đầy đủ trong thai kỳ sẽ làm suy giảm miễn dịch của cả mẹ và thai nhi. Thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu kẽm sẽ làm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, tế bào T, tế bào B và đại thực bào làm giảm sản xuất globulin miễn dịch, IgA, IgM, IgG…
Chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng hoặc không cân đối trong thời kỳ nang thai có thể dẫn đến một số bệnh lý như thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giảm một số vấn đề thường gặp khi mang thai
Khi mang thai, phụ nữ có thể bị chán ăn một hoặc nhiều món ăn, buồn nôn, nôn, ợ nóng, táo bón… thường do một số nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng như:
Buồn nôn, nôn thường xuyên liên quan tới thiếu vitamin B6;
Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do ăn phải thức ăn khó tiêu hoặc không an toàn;
Táo bón liên quan tới chế độ ăn uống thiếu chất xơ, uống ít nước, số lượng thực phẩm tiêu thụ không đủ và cả do giảm nhu động ruột khi mang thai;
Phù có thể do chèn ép hoặc cũng có thể do thiếu dinh dưỡng;
Chuột rút do thiếu vitamin D và canxi;
Cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, vi chất sẽ giảm các biểu hiện trên cho thai phụ.
L.M.T
(Theo Hướng dẫn quốc gia Dinh dưỡng cho PNCT và BMCCB)