Thường các bé trai khi được hỏi “con thích em của mình sẽ là bé trai hay bé gái”, các con sẽ thích có “đồng minh” nên luôn mong đó là một bé trai. Cậu bé Bơ, con trai 3 tuổi của hot mom Trinh Phạm cũng không ngoại lệ, từ khi mẹ thông báo có em, lúc nào Bơ cũng nghĩ đó sẽ là một em trai để có thể chơi siêu nhân cùng mình.
Thế nên, khi ba mẹ thông báo “đó sẽ là một em gái”, Bơ khóc thét, giàn giụa nước mắt, thậm chí còn vừa khóc vừa nói: “con không thích em gái, mẹ đẻ em trai đi” khiến bố mẹ phì cười. Thế nhưng trong lòng cũng không khỏi lo lắng không biết liệu khi em gái ra đời, con có thích em không, có chí chóe hay đánh nhau, không yêu em gái của mình không.
Bé trai nước mắt giàn giụa “con không thích em gái, mẹ đẻ em trai đi”
Và cái kết thì sau khi em gái ra đời được gần nửa năm, mọi chuyện dường như thay đổi hoàn toàn. Bơ rất thích và yêu em, lúc nào cũng chỉ mong được có thời gian ở bên em của mình. Bé Phô Mai chưa biết nói chuyện nên sẽ đáp lại tình cảm của anh theo cách riêng của mình như lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi, thích thú mỗi khi anh trai trêu đùa…
Nhìn lại những khoảnh khắc đáng yêu này, ba mẹ không khỏi xúc động, thầm cảm ơn vì các con yêu thương, quan tâm đến nhau. Dù có là em trai hay em gái nhưng khi em ra đời, Bơ vẫn yêu chiều em bé. Xem clip xong, các bố mẹ cũng cảm thấy thực sự xúc động, tình cảm anh em vẫn luôn rất thiêng liêng và đáng quý.
Trước đó, trước ngày đi sinh, chồng Trinh Phạm đã viết một bức thư gửi cho con trai. Nội dung đơn giản nhưng là tấm lòng, tình cảm của ba mẹ muốn gửi gắm đến con trai đầu. Nhiều người cảm thấy nghẹn ngào, xúc động và cảm thấy Bơ quả là một cậu bé may mắn khi nhận được tình yêu thương của ba mẹ lớn như vậy.
“Tối nay ba mẹ sẽ đến viện để đón em Phô Mai về, ba mẹ sẽ đi vắng khoảng 5 hôm. Vậy là gia đình mình sắp có thêm thành viên mới, Bơ lên chức anh hai rồi đấy. Ba mẹ hiểu những lo lắng, bỡ ngỡ của con khi sắp có thêm em, nhưng cũng cảm thấy con rất vui vẻ vì sắp có người để chia sẻ đồ chơi. Làm anh trai lớn, trọng trách cũng lớn hơn nhưng ba mẹ tin rằng con sẽ làm tốt.
Dù có thêm em bé nhưng tình yêu của ba mẹ dành cho con vẫn sẽ không bao giờ thay đổi. Ba mẹ yêu hai con như nhau, hai con vẫn sẽ là niềm tự hào của mẹ và ba. Và ba mẹ biết con rất thương em và sẽ luôn là anh trai tốt như cách mà con vẫn thường quan tâm tới mọi người xung quanh. Ba mẹ sẽ cố gắng về nhà sớm, đừng lo lắng con nhé! Yêu Bơ!”, trích một phần bức thư.
Trẻ em luôn cần nhận được sự thương yêu, quan tâm, tôn trọng và cần được đối xử như các anh chị em của mình. Dù con có thế nào thì bố mẹ cũng cần công bằng trong việc dạy dỗ và chăm sóc chúng chu đáo.
Bơ và em gái nhỏ mới sinh.
Cha mẹ có hành vi đối xử không công bằng với con sẽ khiến chúng khó quên được. Trẻ sẽ nhớ mãi về những lời nói hay hành động thể hiện sự phân biệt của cha mẹ với mình, thậm chí điều này còn ăn sâu vào tiềm thức khiến trẻ có suy nghĩ mình bất tài, vô dụng, đáng bị xem thường, từ đó dần dần thu mình lại.
Không chỉ vậy, nếu bị bố mẹ đối xử không công bằng, sau này khi trưởng thành, con cũng sẽ có xu hướng đối xử với anh chị em và con cái như vậy. Bởi con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, chúng sẽ học theo hành động từ bố mẹ, chính vì vậy, phụ huynh cần cẩn trọng và tinh tế trong việc đối xử với các con của mình.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, nguyên nhân chính khiến trẻ ghét em là bởi bố mẹ đã vô tình khiến trẻ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi. Từ việc đang được mọi người yêu chiều nhất bỗng trở thành người bị cho ”ra rìa” khiến trẻ tủi thân, dẫn đến tâm lý muốn được làm em bé để được ôm, được bế và được chiều nhiều hơn.
Vì vậy, bố mẹ hãy thật tinh tế trong những hành động, lời nói của mình để tránh làm tổn thương trẻ. Đôi khi con có mong muốn được ôm, được bế hoặc đưa đi chơi, mẹ hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu đó để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm và yêu thương.
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên thỉnh thoảng dành một chút thời gian riêng tư cho ”anh cả” hoặc ”chị cả” bằng cách gửi em bé cho ông bà để đưa trẻ đi chơi. Điều này giúp trẻ cảm thấy bố mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình. Đừng để con phải chịu ấm ức, tủi hờn chỉ vì bố mẹ đối xử không công bằng, thiên vị anh/ chị/ em của bé hơn.